shunshine group

Cần thu hẹp "giãn cách số" giữa thành phố lớn và các địa phương

26/05/2022 16:28

Việc hỗ trợ chuyển đổi số ở địa phương là nhu cầu cấp thiết khi chuyển đổi số trong hoạt động thương mại là một hạt nhân để chuyển đổi số kinh tế trong tương lai.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2022 (Vietnam - Asia DX Summit 2022) với chủ đề "Hợp lực chuyển đổi số để phát triển kinh tế số" ngày 26/5, phiên thảo luận về chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại đã diễn ra thành công. 

Với sự góp mặt của lãnh đạo Bộ Công Thương và đại diện đến từ các doanh nghiệp chuyển đổi số, buổi hội thảo đã thảo luận nhiều vấn đề xoay quanh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành thương mại điện tử.

Hiện tượng hàng giả, nhái, kém chất lượng trên sàn TMĐT

Ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, thương mại điện tử bản chất vẫn là hoạt động thương mại và được áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, đặc biệt là internet. Ông Quang đánh giá thương mại điện tử đã phát triển nhanh chóng tại Việt Nam trong những năm vừa qua.

Theo đó, nhiều mô hình thương mại điện tử đa dạng xuất hiện với cách thức hoạt động thay đổi nhiều so với trước đây. Chủ thể ngành thương mại điện tử cũng được mở rộng, từ doanh nghiệp tới người tiêu dùng. "Thậm chí bà con nông dân cũng có thể tham gia lĩnh vực thương mại điện tử", ông Quang nói. 

Đặc biệt, ông Quang cho biết thời gian qua, mạng xã hội nổi lên như một phương thức giao dịch phổ biến. Bên cạnh thuận lợi và tối ưu mạng xã hội đem lại thì các hành vi tiêu cực trong thương mại điện tử cũng diễn ra như buôn bán hàng giả, lậu, kém chất lượng…. "Có nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đó là những vấn cơ quan quản lý nhìn nhận và phải có những biện pháp đặt ra trong thời gian qua", ông nói. 

Xu hướng thị trường - Cần thu hẹp 'giãn cách số' giữa thành phố lớn và các địa phương

Phiên thảo luận về chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại diễn ra ngày 26/5 theo hình thức trực tuyến.

"Với quy mô mở rộng từng ngày, ta thấy thương mại điện tử diễn ra phổ biến. Tuy nhiên với những lý do hạn chế về nhân lực, công nghệ hoặc chưa quan tâm đúng mức trong việc phát triển hồ sơ giao dịch trên các sàn, hiện tượng hàng hóa chưa rõ nguồn gốc diễn ra phức tạp", ông nhấn mạnh. Ông cho biết yêu cầu đặt ra sau những vụ việc này là cơ quan chức năng phải quy định chặt chẽ hơn. Ông cho biết cơ quan chức năng đã và đang làm việc với các sàn thương mại điện tử để sàng lọt, xét duyệt các loại hàng hóa.

Đặc biệt, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhận định hoạt động thương mại điện tử diễn ra trên mạng xã hội, trong thời gian vừa qua có nhiều bất cập. Trong xu hướng mạng xã hội cũng bổ sung nhiều tính năng như sàn thương mại tử.

"Chúng tôi đã đưa mạng xã hội vào nội dung quản lý vào Nghị định 85 và sẽ triển khai mạnh mẽ đến các sàn thương mại điện tử và các đối tượng như mạng xã hội, cá nhân, tổ chức doanh nghiệp… tham gia hoạt động thương mại điện tử", ông nói.

Bên cạnh đó, còn một vấn đề là thương nhân nước ngoài tuy không hiện diện tại Việt Nam nhưng có hoạt động thương mại điện tử tới người Việt Nam, Bộ Công Thương cũng sẽ quản lý chặt chẽ.

"Giãn cách số" lớn

Tại hội thảo, ông Nguyễn Bình Minh, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Giảng viên khoa Thương mại điện tử, Đại học Thương Mại cũng nhận định chính những bước tiến của hoạt động thương mại điện tử Việt Nam đã tạo ra sự bùng nổ trong kinh doanh trực tuyến. 

Sự bùng nổ này tạo ra sức ép lớn khi nhiều doanh nghiệp chưa quen với hoạt động kinh doanh trong thương mại điện tử khi phải hòa nhập do nhu cầu bắt buộc.

Một trong những điều ông Minh thấy còn lúng túng là định hướng triển khai hoặc hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. "Các nguyên tắc trong thương mại điện tử phải xác định ngay từ đầu, bởi khi hoạt động online, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do nhiều doanh nghiệp do dịch Covid-19 phải tự phát chuyển đổi mô hình kinh doanh", ông Minh nói.

Ông Nguyễn Bình Minh cho biết, Hiệp hội Thương mại điện tử muốn định hướng để kinh doanh trực tuyến có hiệu quả. Hiệp hội đã có những khóa đào tạo ngắn hạn, tổ chức chương trình, chuỗi sự kiện liên quan đến việc phổ cập kiến thức kinh doanh thương mại điện tử. Điều này góp phần cải thiện phần nào thực tế các doanh nghiệp còn thiếu kiến thức, kỹ năng về thương mại điện tử. 

Ông Minh cho biết hiện nguồn nhân lực trên phạm vi cả nước tương đối thiếu nhưng Hiệp hội sẽ có lực lượng hỗ trợ lớn nhất có thể. Theo ông, có 40-50 trường đại học tham gia hoạt động đào tạo nhưng nguồn nhân lực cấp thiết thì thiếu trầm trọng. 

Xu hướng thị trường - Cần thu hẹp 'giãn cách số' giữa thành phố lớn và các địa phương (Hình 2).

Ông Nguyễn Bình Minh, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Giảng viên khoa Thương mại điện tử, Đại học Thương Mại.

"Việc tái sử dụng nhân lực để chuyển sang nhân lực hoạt động thương mại điện tử trong phạm vi cả nước rất quan trọng. Hà Nội và Tp.HCM khả năng tiếp cận tốt nhưng các tỉnh, thành phố khác thì việc tiếp cận thương mại điện tử lại tương đối khó khăn", ông nói.

"Quan trọng là phải thay đổi nhận thức, kỹ năng cần thiết. Chuyển đổi số trong hoạt động thương mại là một hạt nhân để chuyển đổi số kinh tế trong tương lai. Nếu không có nhân lực, không có có con người thì không thể thực hiện chuyển đổi số", ông cho hay. 

Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Bình Minh cho biết để chuyển đổi số ngành thương mại, cần phải tiếp cận doanh nghiệp để tìm hiểu và thấu hiểu. Năm 2022, Hiệp hội chỉ ra khoảng cách "giãn cách số" giữa Hà Nội, Tp.HCM và các tỉnh, thành, địa phương, đặc biệt là vùng sâu xa và nhận thấy khoảng cách lớn. Đây này đặt ra việc hỗ trợ chuyển đổi số ở địa phương là nhu cầu cấp thiết. 

Thách thức nằm ở quyết tâm đồng bộ

Bên cạnh đó, ông Minh cho biết, với việc điều tra và nghiên cứu làn sóng chuyển đổi số sau đại dịch Covid-19, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhận ra các doanh nghiệp thương mại điện tử đã có cố gắng, nhưng trong trường hợp khó khăn xảy đến, họ cũng không biết cách giải quyết các vấn đề phức tạp, chỉ ít doanh nghiệp đạt khả năng tăng trưởng và số ít trong đó ghi nhận tăng đột phá. 

"Việc thích ứng khi gặp khó khăn đặt ra việc phải có chuẩn hóa về quy trình đào tạo, chúng tôi đang cố gắng xây dựng cho doanh nghiệp để giúp họ thích nghi nhanh với thời gian ngắn. Ngoài ra, việc củng cố nền tảng trên phạm vi cả nước cũng đang được thiết lập để đưa ra các giáo trình chuẩn, cũng như tài liệu giúp các trường Đại học củng cố đội ngũ giảng viên để cho các sinh viên khi tiếp cận thì thích nghi nhanh", ông Minh nói. 

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ Getfly Việt Nam cho biết, những ưu thế của thương mại điện tử là đa kênh, tốc độ, và tối ưu quy trình hiện tại của doanh nghiệp. Đây là 3 yếu tổ ko thể tách rời trong chuyển đổi số ngành thương mại, giúp doanh nghiệp tiết kiện thời gian, chi phí, nhân lực.

"Chúng ta có quy trình tốt thì có thể rút ngắn thời gian bán hàng, có thể rút ngắn chuyển hàng sẽ hoạt động nhanh hơn. Bản thân doanh nghiệp có khi bị lỗi thời, có khi họ không có năng lực tiếp nhận kiến thức mới nên khi kênh bán hàng không được mở rộng sẽ bị chậm". Theo ông Hoàng, thách thức lớn nhất của thương mại điện tử không phải công cụ hay bị giới hạn bởi Nhà nước, mà trong chính nội bộ của doanh nghiệp chưa có quyết tâm đồng bộ. 

Bạn đang đọc bài viết "Cần thu hẹp "giãn cách số" giữa thành phố lớn và các địa phương" tại chuyên mục Kinh tế. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0937636383hoặc gửi về địa chỉ email (nhipsongdothi.vn@gmail.com).  
#hungthinh