shunshine group

Dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây: Vì sao người dân phản đối giá bồi thường giải phóng mặt bằng?

03/11/2021 01:00

Tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đoạn qua huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận thời gian qua chậm tiến độ bàn giao mặt bằng vì có nhiều bất cập trong công tác giải tỏa đền bù cho người dân, dẫn đến nhiều khiếu nại kéo dài.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn qua địa bàn huyện Hàm Tân có tổng diện tích đất thu hồi hơn 190 ha/267 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức.

Theo thông tin từ chính quyền huyện Hàm Tân, đến đầu tháng 10/2021, tổng số hộ đã bàn giao mặt bằng là 258 hộ/267 hộ. Hiện còn 9 hộ chưa nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng, với tổng diện tích trên 86.700m2.

Được biết, hầu hết người dân tại đây đều rất ủng hộ việc phát triển đường cao tốc – một công trình mang lại nhiều lợi ích cho địa phương, cho khu vực và đất nước. Người dân rất hợp tác với chính quyền địa phương trong công tác giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, thời gian qua, có khá nhiều hộ dân tỏ ra bức xúc vì cách làm việc của các đơn vị liên quan trong công tác giải tỏa đền bù dẫn đến tiến độ chậm trễ. Các hộ dân này không đồng tình vì cách tính giá trị bồi thường rất thấp, nhưng vì đa phần là người nông dân, ít hiểu biết về quyền lợi, nên nhiều hộ đã nhận tiền đền bù.

don-cao-toc-ptdg-1635874816.png
Đơn khiếu nại của các hộ gia đình gửi cơ quan chức năng

Hiện còn 6 hộ tại khu vực xã Tân Phúc đang tiếp tục gửi đơn khiếu nại, kiến nghị với các cấp chính quyền nhưng vẫn chưa được giải quyết một cách thỏa đáng. Các hộ này đều có đất nằm tại mặt tiền tỉnh lộ 720.

Ông Nguyễn Văn Hậu sinh sống tại thôn 4, xã Tân Phúc, một trong những người khiếu nại cho biết: “Nhìn chung tôi và gia đình hoàn toàn ủng hộ, hợp tác, tuy nhiên giá đền bù là quá thấp và không thỏa đáng. Chúng tôi không phải yêu cầu đền bù theo giá thị trường hiện nay đâu, chỉ cần được 5-7 phần của giá thực tế vào năm 2018 -2019 là chúng tôi chấp nhận ngay”.

hinh-01-1635874904.jpg
Ông Nguyễn Văn Hậu không đồng tình với giá đền bù quá thấp và cách thức giải quyết nhỏ giọt thiếu thiện chí của các đơn vị liên quan

Tương tự, anh Đặng Hữu Luân cũng đang cư ngụ tại thôn 4, xã Tân Phúc cho biết, đường cao tốc đi ngang qua toàn bộ nhà và đất của anh, với diện tích 613,1 m2, tuy nhiên tổng giá đền bù chỉ có hơn 650 triệu đồng (trong đó gồm 350 triệu đồng tiền đất; 266 triệu đồng tiền công trình xây dựng trên đất; còn lại trên 30 triệu đồng là bồi thường cây trái hoa màu và tiền hỗ trợ.

Anh Luân buồn bã chia sẻ: “Gia tài tui làm lụng cả đời được mỗi có nhiêu đó, giờ nhà nước giải tỏa đền bù như vậy thì làm sao tui sống. Cầm hơn 600 triệu tiền bồi thường (cả nhà, đất và hỗ trợ đủ các thứ khác) cũng không đủ mua lại được một nửa miếng đất như hiện tại, chứ chưa nói gì đến chuyện cất nhà, rồi biết bao chi phí phát sinh để ổn định lại cuộc sống, tôi mong chính quyền có giá hỗ trợ đền bù hợp lý hơn”.

h-02-1635874912.jpg
Anh Đặng Hữu Luân buồn bã và lo lắng, vì với số tiền đền bù như hiện tại thì anh không đủ để an cư trong thời gian sắp tới

Cần sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tránh khiếu kiện kéo dài

Theo tìm hiểu của nhóm phóng viên thông qua nhiều người dân đã thực tế có giao dịch mua bán đất trước khi dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây được hình thành trong khoảng 5 năm về trước, thì giá đất ở khu vực mặt tiền tỉnh lộ 720 thuộc thôn 4, xã Tân Phúc đã có giá khoảng 1 triệu đồng/1m2, tuy nhiên hiện giá giải tỏa đền bù mà các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận đang áp dụng chỉ bình quân từ 200.000-400.000 đồng/1m2, chỉ bằng 1/3 giá trị của thời điểm giá đất tại khu vực này chưa tăng giá như hiện nay.

Cụ thể, trong đơn kiến nghị tập thể gửi lãnh đạo huyện Hàm Tân trong lần gặp gỡ, đối thoại gần nhất vào cuối tháng 10 vừa qua, người dân đã trình bày rất rõ: “Theo lý giải của các cơ quan chức năng cho chúng tôi biết là giá đất đền bù đang được áp dụng hiện tại cho các hộ gia đình chúng tôi là do các đơn vị thẩm định giá độc lập đã đi xuống văn phòng đăng ký đất đai của huyện để khảo sát các giá trị mua bán đất gần nhất, qua đó áp dụng vào cho chúng tôi. Điều này chúng tôi nhận thấy là chưa đúng với thực tế, các đơn vị thẩm định giá lẽ ra phải khảo sát giá thực tế ngoài thị trường thông qua các nhà, đất đang được rao bán thực tế, khảo sát từ các đơn vị môi giới và đặc biệt là người dân sống trong khu vực và xung quanh khu vực thì mới đảm bảo khách quan và chính xác. Bởi lẽ chính các đơn vị chức năng còn thừa nhận việc một số trường hợp khi mua bán đất, người ta sẽ khai giá hợp đồng thấp đi để giảm các khoản thuế phí ”.

Nói thêm về việc đối thoại với các cơ quan chức năng, ông Lê Văn Chín cũng ngụ thôn 4, xã Tân Phúc cho biết: “Đại diện Sở Tài nguyên và môi trường trong buổi tiếp xúc cũng đã thừa nhận với đông đảo người dân chúng tôi là giá đền bù này thật sự quá thấp cho bà con, nhưng chúng tôi không thể làm gì hơn”.

Được biết, trước đó qua báo cáo của huyện Hàm Tân và ý kiến của các sở ngành cũng như Ban Quản lý dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ông Nguyễn Văn Phong đã chỉ đạo: Huyện Hàm Tân tiếp tục huy động các phòng, ban vận động người dân nhận tiền bồi thường trên tinh thần phải giải thích cho dân hiểu tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đoạn qua Hàm Tân là công trình quốc gia. Vì vậy, việc áp giá đền bù cho dân đã được huyện và tỉnh áp dụng đúng luật và các quy định hiện hành. Mặt khác, trong thời gian gửi thông báo chi trả tiền cho dân, huyện Hàm Tân cần phối hợp với các sở ngành liên quan tổ chức đối thoại theo nguyện vọng của dân để giúp dân.

h3-1635874912.jpg
Bà Phạm Thị Thới bày tỏ mong muốn có được khoản hỗ trợ bồi thường mặt bằng hợp lý để yên tâm mưu sinh

Trên tinh thần chỉ đạo trên, rất mong các cấp lãnh đạo có liên quan tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận sẽ có cái nhìn thấu đáo, cân nhắc xử lý hợp tình, hợp lý việc đền bù giải tỏa cho người dân. Như những chia sẻ, nguyện vọng đầy xúc động của bà Phạm Thị Thới (một trong các hộ tại khu vực giải tỏa) khi nói với nhóm phóng viên chúng tôi: “đây toàn là dân lao động nghèo, luôn tuân thủ những gì của nhà nước chớ đâu có ý nghĩ chống đối gì đâu. Nhưng khổ quá mấy chú coi, đền bù như vầy thì thiệt thòi quá. Giả như chỉ cần được 6 đến 7 phần hoặc tệ lắm là nửa giá thực tế, đủ để sinh sống tiếp là tui đồng ý ngay, chớ đâu có đòi hỏi hay yêu sách gì đâu”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây có chiều dài 99 km, mặt đường 32 m với 6 làn xe được khởi công vào cuối tháng 9/2020, tổng mức đầu tư trên 12.500 tỷ đồng, công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2022.

Dự án có 4 gói thầu, bắt đầu thi công từ phía Dầu Giây (Đồng Nai) đồng thời đã triển khai đến huyện Hàm Tân và Hàm Thuận Nam.

Tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Dầu Giây  - Phan Thiết qua địa bàn huyện Hàm Tân có chiều dài khoảng hơn 23 km đi qua 4 xã, thị trấn của huyện là Sông Phan, Tân Phúc, Tân Minh và Tân Đức. Đặc biệt, có 2 vị trí nút liên thông ra vào cao tốc kết nối trực tiếp với quốc lộ 55 tại Km102 + 400, xã Sông Phan và đường tỉnh lộ ĐT720 tại Km2+900 xã Tân Phúc.

PV
Bạn đang đọc bài viết "Dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây: Vì sao người dân phản đối giá bồi thường giải phóng mặt bằng?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0937636383hoặc gửi về địa chỉ email (nhipsongdothi.vn@gmail.com).  
#hungthinh