shunshine group

Nguyên nhân khiến các 'ông lớn' công nghệ gấp rút tự thiết kế chip

18/09/2021 19:36

Không bằng lòng với những loại chip phổ thông trên thị trường, một số hãng công nghệ lớn đang cố gắng phát triển chip riêng.

Theo CNBC, Apple, Amazon, Facebook, Tesla, Baidu đều là những công ty tỉ đô đang phát triển chip "nhà làm". Syed Alam - trưởng bộ phận bán dẫn toàn cầu tại công ty tư vấn Accenture nhận định: "Những công ty này muốn tạo ra loại chip phù hợp với yêu cầu cụ thể trong sản phẩm của họ thay vì dùng chip phổ thông như những đối thủ cạnh tranh. Điều này cho phép họ kiểm soát việc tích hợp phần mềm và phần cứng, đồng thời giúp khác biệt so với đối thủ".
Russ Shaw - cựu giám đốc tại Dialog Semiconductor cũng công nhận các chip được thiết kế riêng sẽ hoạt động tốt hơn, giảm tiêu thụ năng lượng cho thiết bị và giá cả phải chăng hơn. 
Tình trạng thiếu chip trên toàn cầu cũng là một trong những lý do khiến các công ty Big Tech phải thúc đẩy nỗ lực tự thiết kế chip. Họ không muốn bị phụ thuộc vào các mốc thời gian đã định sẵn của nhà sản xuất bán dẫn. 
Thời gian gần đây, nhiều công ty Big Tech liên tục công bố dự án chip mới. Ví dụ đáng chú ý nhất là khi Apple thông báo "chia tay" với chip x86 của Intel để tạo ra bộ vi xử lý M1, xuất hiện trong iMac và iPad.
Nguyên nhân khiến các 'ông lớn' công nghệ gấp rút tự thiết kế chip - ảnh 1

Chip M1 của Apple

Ảnh chụp màn hình

Tesla cũng thông báo xây dựng con chip "Dojo" để huấn luyện mạng lưới AI (trí tuệ nhân tạo) trong các trung tâm dữ liệu. Từ năm 2019, Tesla đã sản xuất ô tô có chip AI riêng, giúp phần mềm tự xử lý tình huống xảy ra trong lúc tham gia giao thông.
Tháng trước, Baidu ra mắt chip AI được thiết kế để giúp các thiết bị xử lý lượng dữ liệu khổng lồ, tăng cường sức mạnh tính toán. Baidu cho biết chip “Kunlun 2” có thể được sử dụng trong các lĩnh vực như xe tự lái và đã được đưa vào sản xuất hàng loạt.
Nguyên nhân khiến các 'ông lớn' công nghệ gấp rút tự thiết kế chip - ảnh 2

Baidu công bố kế hoạch phát triển chip riêng

Ảnh chụp màn hình

Bên cạnh đó, nhiều "gã khổng lồ" công nghệ chọn giữ kín dự án trong vòng bí mật. Có tin đồn Google đang ấp ủ kế hoạch ra mắt CPU riêng cho laptop Chromebook. Nikkei Asia đưa tin Google sẽ dùng CPU riêng cho Chromebook và máy tính bảng chạy hệ điều hành Chrome từ năm 2023 trở đi, nhưng công ty hiện vẫn chưa xác nhận điều này. 
Sở hữu dịch vụ đám mây lớn nhất thế giới, Amazon đang phát triển chip riêng để cung cấp năng lượng cho những phần cứng đưa dữ liệu đi khắp các mạng. Nếu mọi việc suôn sẻ, chip này sẽ giúp Amazon giảm phụ thuộc vào Broad.com. 
Năm 2019, trưởng nhóm AI của Facebook tiết lộ với Bloomberg rằng công ty đang nghiên cứu một loại chất bán dẫn khác hẳn với những loại có sẵn trên thị trường. 
Nguyên nhân khiến các 'ông lớn' công nghệ gấp rút tự thiết kế chip - ảnh 3

CEO Sundar Pichai nói về chip AI thế hệ thứ ba của Google

Ảnh chụp màn hình

Thế nhưng, chưa có công ty Big Tech nào cam kết tự sản xuất chip ở giai đoạn này, chủ yếu là do việc vận hành xưởng đúc chip rất tốn kém. Một nhà máy như TSMC tiêu tốn khoảng 10 tỉ USD, có thể mất nhiều năm xây dựng. Ngay cả những công ty nghìn tỉ USD như Apple, Google cũng ngần ngại xây dựng nhà máy chip, thay vào đó, họ tìm đến TSMC hoặc Intel.
Glenn O’Donnell - giám đốc nghiên cứu tại công ty phân tích Forrester cho rằng Thung lũng Silicon đang thiếu nhân tài đủ khả năng để thiết kế bộ vi xử lý cao cấp. Các công ty quá chú trọng đến phần mềm trong suốt nhiều thập kỷ qua, khiến việc thiết kế phần cứng bị tụt lại. Dù có tên là Thung lũng Silicon, khu vực này lại thuê rất ít kỹ sư biết tạo ra chip silicon. 

Tin liên quan

Dyson thiết kế robot hút bụi biết leo cầu thang Robot cháu gái an ủi người già neo đơn Lo ngại Taliban, Google khóa Gmail của chính phủ Afghanistan

Bạn đang đọc bài viết "Nguyên nhân khiến các 'ông lớn' công nghệ gấp rút tự thiết kế chip" tại chuyên mục Công nghệ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0937636383hoặc gửi về địa chỉ email (nhipsongdothi.vn@gmail.com).  
#hungthinh