shunshine group

Nhật Nam: Chiêu lừa mới trong kinh doanh bất động sản? (Bài 2)

03/12/2020 14:50

Mặc dù Công ty Nhật Nam khẳng định không phải là kinh doanh đa cấp, nhưng cách thức kêu gọi vốn với lãi suất khủng và quà tặng là bất động sản tương ứng khiến nhiều người nghi ngại.

Có phải kinh doanh đa cấp?

Như đã thông tin ở bài trước, Công ty cổ phần đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam (Nhật Nam) rầm rộ kêu gọi hợp tác kinh doanh và phân chia lợi nhuận theo ngày, được chuyển thẳng qua ATM của Nhà đầu tư (NĐT), với mức cam kết vô cùng hấp dẫn, lên đến 44%/24 tháng đã trở thành đề tài “hot” trong cộng đồng dân cư.

Theo khoản 3.3. điều 3, Hợp đồng Hợp tác Kinh doanh của Nhật Nam, hàng tháng Công ty sẽ chi trả cho người đầu tư một khoản tiền bao gồm tiền hoàn vốn và lợi nhuận cam kết từ việc đầu tư giữa hai bên. Tại Phụ lục đính kèm hợp đồng này, tùy theo mức hợp tác mà NĐT sẽ được phân chia lợi nhuận tương ứng. Số tiền đầu tư càng cao, lợi nhuận càng lớn. Chưa kể NĐT còn được Nhật Nam tặng giá trị mua BĐS bằng chính mức tiền vốn bỏ ra sau khi kết thúc hợp đồng.

Theo đó, Công ty có các gói đầu tư thấp nhất là 20 triệu đồng đến cao nhất là 5 tỷ đồng. Cụ thể, nếu đầu tư gói 20 triệu đồng, mỗi ngày, NĐT sẽ được phân phối lợi nhuận 60.000 đồng, mỗi tuần được 300.000 đồng (05 ngày làm việc, trừ thứ 7 và chủ nhật), sau 24 tháng sẽ nhận được lợi nhuận 28,8 triệu đồng. Ngoài ra, Nhật Nam còn tặng cho NĐT 01 voucher trị giá đúng bằng số tiền gốc dùng mua BĐS của Công ty (20 triệu đồng), nghĩa là chỉ đầu tư 20 triệu, sau 24 tháng sẽ nhận được 48,8 triệu đồng (!) . Đối với gói 5 tỷ đồng, lợi nhuận mỗi ngày được 15 triệu đồng, mỗi tuần là 75 triệu đồng, sau 24 tháng sẽ nhận được lợi nhuận là 7,2 tỷ đồng và được tặng 01 voucher trị giá đúng bằng số tiền gốc (5 tỷ đồng), dùng mua BĐS của Công ty (!).

Đây là chiêu đòn bẩy kích thích kinh tế để “dụ” người đầu tư. NĐT càng bỏ tiền vào nhiều thì càng nhận được số tiền thưởng lớn. Thử nghĩ, nếu bỏ vào 5 tỷ thì chưa nói khoản lợi nhuận kếch xù (2,2 tỷ), NĐT đã được thưởng riêng 5 tỷ. Vậy có ngành kinh doanh nào trong 24 tháng lãi khủng khiếp như vậy?

Khi thấy chúng tôi có ý nghi ngại, nhân viên tư vấn tên Th. nói: “Các anh yên tâm, công ty em không phải là kinh doanh đa cấp, không dùng tiền của người sau trả cho người trước như kiểu Alibaba đâu. Trong thời gian trải nghiệm, nếu không thích, mình có thể rút tiền về, không mất gì mà!”.

Theo thông tin quảng cáo chính thức trên website của công ty này, đây là “một doanh nghiệp tuy mới thành lập nhưng có ban lãnh đạo và đội ngũ nhiều kinh nghiệm. Với gói đầu tư an toàn, lãi suất cực kỳ hấp dẫn, nhận lợi nhuận mỗi ngày về tài khoản ngân hàng”. Đến với Nhật Nam là khách hàng có cơ hội “làm giàu nhanh chóng, tăng giá trị tài sản trong tương lai”…

Giấy phép kinh doanh của Nhật Nam.

Nhật Nam cũng liên tục khẳng định không hoạt động lừa đảo như Alibaba, không bán đất nền nông nghiệp khi chưa tách sổ riêng mà tất cả các nền đã có sổ riêng sẵn và không triển khai cơ chế thanh toán theo đợt như các công ty khác. NĐT có thể tùy ý rút vốn nếu không muốn tiếp tục tham gia.

Tuy nhiên, thực tế, trong hợp đồng lại ràng buộc, nếu rút vốn trước thời hạn (trước 24 tháng), NĐT phải chịu mất phí 30% và hoàn trả lại số tiền lãi do Nhật Nam chi trả. Còn nếu muốn chuyển nhượng hợp đồng cho bên thứ 3 thì mất 10% phí chuyển nhượng.

Như vậy, nếu lỡ dính vào cuộc chơi và không theo đến cùng (mà chưa biết là sẽ đối mặt với những rủi ro gì), NĐT đương nhiên sẽ bị mất đi một khoản tiền trước mắt! Kiểu kinh doanh như thế này, có khác gì đa cấp, lừa dối khách hàng?!

Mẫu hợp đồng hợp tác của Nhật Nam.

Tham gia hội nghị – nhận voucher bất động sản

Không chỉ kêu gọi góp vốn rầm rộ, Nhật Nam cũng liên tục chào mời tham gia hội nghị chia sẻ kinh nghiệm đầu tư tài chính 4.0 với những lời có cánh như “Bí quyết đầu tư thu lợi nhuận 120-144% lần đầu được Nhật Nam chia sẻ”, “Nhận voucher mua bất động sản ngay sau hội nghị…”.

Hoành tráng hơn: “Nhật Nam không huy động vốn mà đây là hợp đồng hợp tác, vì dòng vốn Nhật Nam đã có sẵn. Mục tiêu của Công ty Nhật Nam là tạo nên một thương hiệu chứ không phải mua bán BĐS kiếm lợi nhuận thô”.

Theo quảng cáo, Nhật Nam đang sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn trải dài từ Bắc vào Nam như Hà Nội, Thanh Hóa, Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk), Tây Ninh, Phú Quốc (Kiên Giang) cùng chuỗi dịch vụ nhà hàng, cafe, karaoke, khách sạn, hệ thống tòa nhà, văn phòng giao dịch… trên nhiều tỉnh thành trong cả nước. Quả thật, nếu chỉ dựa vào những thông tin này, NĐT không tỉnh táo có thể dễ dàng sập bẫy bất cứ lúc nào.

Phụ lục hợp đồng với mức phân chia lợi nhuận khủng.

Theo lời nhân viên tư vấn, Nhật Nam hiện đã có hơn 2.000 NĐT, người đóng tiền cao nhất là 60 tỷ đồng nhưng không có bất cứ một giấy tờ, cơ sở nào chứng minh những con số này là thật. Quan trọng hơn, không có bất cứ một căn cứ nào cho thấy, có bao nhiêu NĐT đã nhận được lợi nhuận và lợi nhuận là bao nhiêu phần trăm từ số tiền họ đã bỏ ra.

Câu hỏi mà dư luận đang đặt ra là, Nhật Nam có được phép huy động vốn với lãi suất khủng như vậy, cao gấp nhiều lần so với lãi suất của ngân hàng hiện nay? Và cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý những sai phạm (nếu có) của công ty này, tránh gây bất ổn trong xã hội và làm trong sạch thị trường kinh doanh bất động sản, vốn đang còn nhiều khó khăn sau ảnh hưởng của đại dịch?!

 

Nguyên Vũ
Bạn đang đọc bài viết "Nhật Nam: Chiêu lừa mới trong kinh doanh bất động sản? (Bài 2)" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0937636383hoặc gửi về địa chỉ email (nhipsongdothi.vn@gmail.com).  
#hungthinh