Sửa đổi Luật Tài nguyên nước trên quan điểm phát triển bền vững

Sáng 8/7 tại Hà Nội, Thứ trưởng Lê Công Thành làm việc trực tuyến với Cục Quản lý tài nguyên nước và các đơn vị liên quan về công tác sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012.

Sửa đổi Luật Tài nguyên nước trên quan điểm phát triển bền vững

Sáng 8/7 tại Hà Nội, Thứ trưởng Lê Công Thành làm việc trực tuyến với Cục Quản lý tài nguyên nước và các đơn vị liên quan về công tác sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012.

tm-img-alt Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo cuộc họp (Ảnh: Báo TN&MT).

Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, căn cứ Công văn số 2798/BTNMT-PC ngày 25/5/2021 của Bộ trưởng Bộ TN&MT gửi Bộ Tư pháp về việc tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, Cục đã xây dựng dự thảo Kế hoạch tiến độ, thời gian thực hiện một số công việc phục vụ lập đề nghị sửa đổi, bổ sung và soạn thảo Luật Tài nguyên nư­ớc (sửa đổi).

Theo đó, Cục Quản lý tài nguyên nước lập đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nư­ớc vào chương trình xây dựng, sửa đổi Luật từ năm 2023. Cụ thể, xây dựng Kế hoạch, tiến độ đánh giá tình hình thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012 phục vụ việc lập đề nghị; gửi Văn bản đến các Bộ, ngành, địa phương đề nghị rà soát, đánh giá tổng kết thi hành Luật, đề xuất các vấn đề cần sửa đổi bổ sung; tổ chức các đoàn điều tra, khảo sát, làm việc với Sở TN&MT các địa phương về tình hình thực thi Luật Tài nguyên nước, những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện.

tm-img-alt Bảo đảm an ninh nguồn nước cho phát triển bền vững (Ảnh minh họa).

Cục sẽ tiến hành thu thập, tổng hợp, xử lý thông tin, tài liệu về tình hình thực hiện Luật Tài nguyên nước từ năm 2013 đến nay; phân tích, đánh giá việc thi hành Luật, những kết quả đạt được trong việc quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; điều tra cơ bản, quy hoạch tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; những tồn tại, khó khăn, bất cập trong quá trình thực thi phục vụ sửa đổi, bổ sung Luật.

Cùng với đó, xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ cho ý kiến và đề xuất đưa vào Chương trình sửa đổi Luật của Quốc hội năm 2023.

Để thực hiện khối lượng công việc này, theo Cục trưởng Châu Trần Vĩnh, thời gian tới, sẽ tiến hành tổ chức thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật, chuẩn bị các nội dung báo cáo, lấy ý kiến thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập tại cuộc họp; xây dựng Kế hoạch soạn thảo Luật; lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật; gửi Văn bản lấy ý kiến góp ý; đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ TN&MT.

Cùng với đó, tổ chức các hội thảo, hội nghị tại miền Bắc, Trung, Nam và một số địa phương có đặc thù trong thực thi Luật, lấy ý kiến chuyên gia trong nước và quốc tế làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật và các hồ sơ về Dự án Luật kèm theo. Tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và hoàn thiện hồ sơ về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước, gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, sau đó, trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tiếp theo.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác sửa đổi Luật Tài nguyên nước có ý nghĩa và cần thiết đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, các nước thượng du sử dụng nước tăng đột biến, tình trạng lấn chiếm sông hồ một cách tràn lan... Các đơn vị liên quan cơ bản thống nhất với các nội dung trong dự thảo Kế hoạch do Cục Quản lý Tài nguyên nước soạn thảo, đồng thời, nhấn mạnh, thời gian tới, sẽ tập trung nguồn lực để hỗ trợ Cục trong việc xây dựng kế hoạch sửa đổi Luật đảm bảo hiệu quả nhất.

Đánh giá cao các ý kiến của các đơn vị, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị, Cục Quản lý tài nguyên nước và các đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tập trung trí tuệ đóng góp sáng kiến xây dựng thành công bản Kế hoạch chi tiết phục vụ hiệu quả cho công tác sửa Luật trong thời gian tới. Đảm bảo công tác sửa đổi Luật phải thực sự hiệu quả khoa học bám sát thực tiễn, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức và cá nhân trong bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước.

Phương Anh

Theo Báo TN&MT

Link nội dung: https://www.nhipsongdothi.vn/sua-doi-luat-tai-nguyen-nuoc-tren-quan-diem-phat-trien-ben-vung-154455.html