shunshine group

Cách ly F0 tại nhà không phức tạp nếu hướng dẫn đầy đủ và tuân thủ tuyệt đối

28/07/2021 11:32

(Chinhphu.vn) - TPHCM là địa phương đầu tiên thí điểm tổ chức cách ly, điều trị tại nhà với F0, F1. Hiểu đúng chủ trương này như thế nào và chuẩn bị ra sao để việc cách ly, điều trị tại nhà với F0 và F1 hiệu quả? Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM đã có những chia sẻ chuyên môn xung quanh vấn đề này.

(Chinhphu.vn) - TPHCM là địa phương đầu tiên thí điểm tổ chức cách ly, điều trị tại nhà với F0, F1. Hiểu đúng chủ trương này như thế nào và chuẩn bị ra sao để việc cách ly, điều trị tại nhà với F0 và F1 hiệu quả? Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM đã có những chia sẻ chuyên môn xung quanh vấn đề này.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh
TPHCM là địa phương đầu tiên thí điểm tổ chức cách ly, điều trị tại nhà với F0 và F1. Chủ trương này được hiểu như thế nào thưa bác sĩ?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Đang có sự nhầm lẫn rằng tất cả F0 không có triệu chứng thì có thể cách ly, điều trị tại nhà. Tuy nhiên, thực tế, chủ trương này phân ra hai nhóm đối tượng có thể xem xét cách ly điều trị tại nhà.

Thứ nhất là trường hợp bệnh nhân không triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện. Nếu trong 10 ngày, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp, không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp) thì chuyển về cách ly tại nhà. Nhưng phải bảo đảm điều kiện an toàn, phòng chống lây nhiễm. Bệnh nhân sẽ được tiếp tục xét nghiệm RT-PCR tại nhà vào ngày thứ 14 và 21.

Nhóm thứ hai là trường hợp F0 không triệu chứng, áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1. Bệnh nhân tự theo dõi về tình trạng sức khỏe, báo cáo với cơ quan theo dõi y tế hằng ngày và thực hiện xét nghiệm theo quy định.

Trong thời điểm hiện nay, việc triển khai cách ly F0, F1 tại nhà có ý nghĩa như thế nào thưa bác sĩ?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Chúng ta phải xác định bây giờ hệ thống y tế đang quá tải và nó sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ. Một là không đủ lực nuôi ăn cho người bệnh một cách chu đáo, không cung cấp cho họ điều kiện sinh hoạt thoải mái. Điều này có thể dẫn đến tình trạng nặng hơn cho người nhiễm COVID-19.

Vấn đề quá tải thứ hai là nhân viên y tế không còn đủ sức để chăm chút điều trị như một năm trước. Bây giờ phải dồn sức điều trị cho những ca bệnh nặng.

Hai yếu tố đó buộc phải tính đến việc giảm tải và cách ly, điều trị tại nhà là khả thi nhất.

Cần chuẩn bị gì khi cho cách ly tại nhà thưa bác sĩ?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Khi triển khai cách ly điều trị tại nhà sẽ có hai thái cực. Một là sợ lây nhiễm cho người nhà, dẫn đến tâm lý lo ngại cực đoan. Hai là những người được cách ly tại nhà lại quá thoải mái, không đề phòng cho gia đình, cho cộng đồng.

Như vậy, cần hướng dẫn cụ thể, thậm chí cung cấp cho họ tài liệu hướng dẫn cách ly tại nhà. Từ việc chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng đến việc thực hiện 5K tại nhà…

Nếu chuẩn bị tốt những vấn đề như vậy, tôi tin rằng cách ly tại nhà với F0 là khả thi và hiệu quả. Khi đó, ngành y tế những ngày sắp tới có thể dồn nhân lực cho tiêm vaccine.

Vậy khi cách ly tại nhà thì cần lưu ý gì thưa bác sĩ?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Có hai vấn đề cần lưu ý. Một là bảo đảm an toàn, không lây cho cộng đồng. Như vậy phải chọn nhóm nào thì cách ly tại nhà, cho nên thí điểm với hai nhóm trên là hợp lý. Trên thế giới đã nghiên cứu, thực tế tại Việt Nam cũng có dữ liệu với mấy chục nghìn ca nhiễm rồi. Đó là những người trẻ, không béo phì, không bệnh nền thì gần như họ không có triệu chứng nặng khi nhiễm COVID-19. Số đó nên được rút ngắn thời gian điều trị và chuyển về cách ly tại nhà, họ sẽ yên tâm về điều kiện sinh hoạt, được bổ sung dinh dưỡng theo nhu cầu và tinh thần thoải mái, không bị yếu tố tâm lý.

Thứ hai, qua nghiên cứu cho thấy người nhiễm COVID-19 nếu trở nặng thì sẽ diễn biến trong 8 ngày đầu, sau đó thuyên giảm. Cho nên nhiều người không có triệu chứng trở nặng thì sau 8 ngày có thể bắt đầu hồi phục. Lúc đó tiến hành xét nghiệm để chứng minh nồng độ virus trong họng giảm xuống và cho họ về cách ly tại nhà đến khi đủ thời gian theo dõi.

Nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng từ người cách ly tại nhà như thế nào thưa bác sĩ?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Nếu hướng dẫn đầy đủ và họ tuân thủ tuyệt đối: Không ra khỏi nhà, không tiếp xúc bên ngoài thì không thể lây nhiễm cho người khác. Không có chuyện con virus bay từ nhà này qua nhà khác. Tiếp xúc trực tiếp mới có nguy cơ lây nhiễm. Hoặc là hai người ở chung một không gian hẹp, nhất là trong môi trường điều hòa thì có nguy cơ lây nhiễm.

Do vậy nếu F0 cách ly, điều trị tại nhà, tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn cách ly thì họ không lây cho ai ngoài cộng đồng. Ngay cả người thân sống chung nhà cũng không lây nhiễm nếu chúng ta hướng dẫn cho họ làm sao để giữ an toàn cho người nhà. Người nhiễm COVID-19 cách ly tại nhà chỉ lây cho người nhà khi sinh hoạt, ăn ngủ chung phòng. Nếu F0 ở phòng riêng hoặc luôn giữ khoảng cách 2 m, có đeo khẩu trang hoặc mang tấm chắn giọt bắn, không dùng chung đồ dùng cá nhân như quần áo, khăn… thì gần như không lây nhiễm.

Có thể một số người sẽ lo ngại, kỳ thị khi hàng xóm cách ly tại nhà. Tôi cho rằng cần tuyên truyền cho người dân hiểu cơ chế lây nhiễm như trên tôi đã nói. Nếu F0 ở trong nhà, không tiếp xúc với hàng xóm thì không lây cho hàng xóm. Ngay cả rác thải liên quan đến người cách ly tại nhà cũng xử lý rất đơn giản, phân loại rác gọn gàng, gom rác hằng ngày sạch sẽ.

Việc cách ly tại nhà với F0 không có gì phức tạp. Và đây là nhu cầu rất lớn trong bối cảnh ca nhiễm tăng cao.

Thưa bác sĩ, vậy điều kiện như thế nào là an toàn phòng dịch để cách ly tại nhà? Trước đây có ý kiến cho rằng phải là nhà riêng, nhà phố chứ không áp dụng với căn hộ chung cư?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Ngành y tế đề ra yêu cầu với người cách ly tại nhà vì mục tiêu không để lây cho cộng đồng, không lây cho các thành viên trong gia đình. Phải xác định vấn đề như vậy thì chúng ta sẽ hiểu tại sao ngành y tế lại yêu cầu điều kiện an toàn phòng dịch khi cách ly tại nhà. Căn hộ chung cư rộng, có phòng riêng là đủ điều kiện an toàn phòng dịch để cách ly tại nhà.

Hiện có nhiều người thắc mắc tại sao không thấy kê đơn thuốc với những F0 không có triệu chứng? Vậy sắp tới đây khi F0 cách ly tại nhà họ sẽ được kê đơn ra sao?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Thực tế rất nhiều người dương tính và tự khỏi nên họ thậm chí không biết bản thân đã nhiễm COVID-19. Như vậy có nghĩa là họ không uống thuốc, không cần điều trị. Cho nên với người cách ly tại nhà, đặc biệt là người không có triệu chứng thì không cần phải uống thuốc đặc trị gì.

Không cần thuốc đặc trị và người cách ly tại nhà chủ động bổ sung dinh dưỡng, trái cây tươi, uống nhiều nước, hoặc bổ sung vitamin C. Nếu diễn tiến có triệu chứng thì thường sốt, ho, sổ mũi. Những triệu chứng này có thể dùng các loại hạ sốt mà chúng ta vẫn dự phòng tại nhà. Ngay cả trong khu cách ly điều trị, với F0 không có triệu chứng cũng không cần dùng thuốc đặc trị gì cả. Chủ yếu là theo dõi sức khoẻ, giữ gìn để họ không lây bệnh ra cộng đồng.

Một số người đang lạm dụng súc miệng nước muối. Do tâm lý sợ dịch nên súc miệng nước muối, xịt họng rất nhiều lần. Những việc này lạm dụng quá sẽ gây đau họng, khi đau họng lại tưởng tượng đang bị nhiễm COVID-19. Chưa kể súc miệng nước muối mặn dẫn đến cao huyết áp, nhức đầu… Cho nên phòng ngừa đúng chừng mực, súc miệng bằng nước muối sinh lý, nước ấm, dùng dung dịch sát khuẩn họng... với số lần phù hợp.

Bác sĩ có lưu ý gì khi chăm sóc sức khoẻ cho người cách ly tại nhà?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Người cách ly tại nhà cần ăn uống đầy đủ, vệ sinh cơ thể. Đặc biệt không gian nhà vệ sinh phải sạch. Người cách ly tại nhà có thể diễn biến nặng nếu bị vi khuẩn, virus thông thường tấn công. Do vậy cần ăn sạch, uống sạch, nhà cửa vệ sinh thông thoáng, rửa tay thường xuyên thì không có nguy cơ lây nhiễm.

Còn về thuốc bổ, thực phẩm chức năng có thể bổ sung nhưng không cần nhiều, vì nó mang lại hiệu quả về tâm lý nhiều hơn.

Khi nào thì hết chế độ cách ly? Chúng ta đánh giá qua xét nghiệm và cũng không cần xét nghiệm nhiều lần với người cách ly tại nhà nếu họ không có triệu chứng. Đến ngày thứ 14 thì xét nghiệm. Sau đó theo dõi tiếp, đủ 21 ngày xét nghiệm lại nếu âm tính thì họ trở về nhịp sống thường ngày.

Xin cảm ơn Bác sĩ!

Băng Tâm thực hiện

Bạn đang đọc bài viết "Cách ly F0 tại nhà không phức tạp nếu hướng dẫn đầy đủ và tuân thủ tuyệt đối" tại chuyên mục Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0937636383hoặc gửi về địa chỉ email (nhipsongdothi.vn@gmail.com).  
#hungthinh