shunshine group

Thanh niên 29 tuổi ước làm "chạn vương" vì áp lực trụ cột gia đình

25/04/2024 09:00

() - Một năm trở lại đây, Phạm Hoài Nam (SN 1995), nhân viên truyền thông tại TPHCM luôn suy nghĩ phải tìm bạn gái gia thế tốt để kết hôn. Anh chấp nhận "nương tựa" nhà vợ thay vì phải làm trụ cột kinh tế.

Khủng hoảng tâm lý vì bạn gái gây sức "ép" thành công

Phạm Hoài Nam (quê Quảng Ngãi) học đại học tại TPHCM và ở lại thành phố này làm việc. Gia đình Nam ở quê không khá giả, bố mẹ đều làm nông. Nam có 1 chị gái và 1 em gái đều đã lập gia đình, hiện làm công nhân ở Bình Dương.

Nam từng có mối tình sâu đậm từ thời sinh viên, đã chia tay năm 2022. Bạn gái cũ của anh quê Nghệ An, cùng hoàn cảnh nghèo khó. Nam đã nghĩ sẽ không lấy ai khác ngoài cô. Tuy vậy, khi sống chung, Nam bị người yêu gây áp lực tiền bạc và thành công.

"Hai năm đầu ra trường, tôi nhận lương 9 triệu đồng. Bạn gái thường xuyên thúc giục tôi phải kiếm việc làm thêm, dù ngày nào tôi cũng thức tới 11-12 giờ đêm để giải quyết công việc.

Hai năm tiếp theo, lương của tôi tăng lên 15 triệu, bạn gái nói: "Cứ thế này thì bao giờ anh mới có nhà, có xe ở Sài Gòn". Cô ấy khuyên tôi phải năng động hơn, học thêm ngoại ngữ để có cơ hội công việc trong các tập đoàn lớn. Chỉ có như vậy tôi mới nuôi được vợ con, là chỗ dựa vững chắc cho cô ấy.

Cô ấy nói không có gì sai. Nhưng tôi thấy mệt mỏi. Tính tôi không thích ganh đua, không tham vọng, chỉ cần công việc ổn định, đúng chuyên môn, môi trường đồng nghiệp thân thiện vui vẻ. Tiền bạc có bao nhiêu xài chừng đó, không quá thiếu thốn là được. Nhưng cô ấy nghĩ khác. 

Với cô ấy, đàn ông như tôi không có chí tiến thủ, không có khả năng lo toan cho gia đình, không thể làm trụ cột, và do đó không phù hợp để làm chồng", Nam chia sẻ.

Một năm trước khi chia tay, Nam rơi vào khủng hoảng tâm lý. Anh thường xuyên cảm thấy bản thân là kẻ thất bại. Dù chăm chỉ làm thêm đến nửa đêm, thu nhập của Nam chỉ đạt trên dưới 20 triệu đồng.

Bạn gái từng khuyên anh kinh doanh nhưng anh sợ vay nợ. Nếu nhận thêm việc ở công ty khác, anh cảm thấy bị quá sức. Dần dần, Nam nghi ngờ bản thân, nghĩ mình chọn sai nghề, nghĩ mình yếu đuối, hèn nhát.

Hiện tại, Nam đã ổn định tinh thần. Tuy nhiên, vết thương từ mối tình cũ khiến anh mất cảm xúc với người khác giới, không có ý định hẹn hò với ai.

Thanh niên 29 tuổi ước làm chạn vương vì áp lực trụ cột gia đình - 1

Thanh niên 29 tuổi muốn kết hôn với phụ nữ hơn tuổi, có điều kiện kinh tế để không phải làm trụ cột gia đình (Ảnh: AI).

Ở tuổi 29, Nam cho biết sẽ kết hôn mà không cần phải yêu. Đối tượng kết hôn có thể là phụ nữ hơn tuổi nhưng có điều kiện kinh tế, không yêu cầu đàn ông phải làm trụ cột gia đình.

"Tôi vẫn đùa rằng, tôi nguyện một đời làm "chạn vương", nương tựa nhà vợ. Tôi không cần vợ nuôi. Tôi sẵn sàng lo việc nhà cửa, chăm sóc con cái. Chỉ cần cô ấy để yên cho tôi làm công việc của tôi, không yêu cầu tôi phải bươn chải kiếm tiền, nhà lầu, xe hơi, có địa vị xã hội", Nam nói.

"Tại sao đàn ông không được ở nhà chăm con?"

Anh Nguyễn Văn Hải (37 tuổi, công nhân xe buýt tại Hà Nội) đặt câu hỏi: "Phụ nữ được ra ngoài kiếm tiền, tại sao đàn ông không được ở nhà chăm con?".

Thu nhập của anh Hải trung bình 9 triệu đồng/tháng. Vợ anh làm kế toán, thu nhập từ lương và làm thêm khoảng 30 triệu đồng/tháng, gấp 3 lương chồng.

Anh Hải cho biết, anh thấy tự ti, thua kém vợ. Bố mẹ vợ không giấu giếm việc họ thương con gái phải gánh vác kinh tế gia đình. Vợ anh cũng hay cáu gắt, than phiền, trách móc vì phải làm… đàn ông.

"Tôi làm việc ngày 8-9 tiếng, tháng nào cũng đủ công. Về nhà là chăm sóc con cái, giám sát con cái học hành. Việc cơm nước, dọn dẹp, tôi đều làm cùng vợ. Mỗi khi cô ấy bận, tôi là người cơm nước chính. Mọi việc đối nội, đối ngoại cô ấy giao phó, chỉ đạo, tôi đều làm hết. 

Nhưng sự thật là lương tôi chỉ đủ đóng tiền học cho con và tự nuôi thân. Công to việc nhỏ trong nhà đều dựa vào tiền của vợ. Bố mẹ tôi ốm đau cũng là vợ lo viện phí.

Tôi biết vợ vất vả. Nhưng tôi lực bất tòng tâm. Tôi học ít, làm nghề ít tiền. Tôi có thể chia sẻ với cô ấy mọi việc, trừ chuyện tiền bạc", anh Hải tâm sự.

Thanh niên 29 tuổi ước làm chạn vương vì áp lực trụ cột gia đình - 2

Đàn ông lo việc nhà, để vợ gánh vác kinh tế thường chịu định kiến xã hội (Ảnh: AI).

Điều khiến anh Hải cảm thấy bất công là cách mọi người nhìn vào những gia đình như gia đình anh. Đàn ông khi không phải trụ cột kinh tế sẽ bị xem là những kẻ thất bại, bất chấp các ưu điểm khác.

"Phụ nữ ở nhà làm nội trợ cũng được, ra ngoài làm kinh tế, tạo dựng sự nghiệp cũng được. Xã hội kêu gọi bình đẳng giới, cho phụ nữ quyền lựa chọn làm điều họ muốn, nhưng đàn ông chỉ có một lựa chọn là làm trụ cột gia đình.

Nếu đàn ông chọn làm công ăn lương và chăm sóc gia đình, con cái theo thế mạnh của mình, anh ta bị xem là bất tài, không có chí, ăn bám vợ", anh Hải nêu quan điểm.

Anh Hải cho biết thêm, dù vợ anh là mẫu phụ nữ hiền hậu, quan niệm "đàn ông phải làm trụ cột gia đình" vẫn khiến vợ chồng anh nhiều phen sóng gió. "Chẳng lẽ đàn ông không có khả năng kiếm tiền như tôi thì không có quyền được lấy vợ, đẻ con?", anh Hải trăn trở.

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi

Bạn đang đọc bài viết "Thanh niên 29 tuổi ước làm "chạn vương" vì áp lực trụ cột gia đình" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0937636383hoặc gửi về địa chỉ email (nhipsongdothi.vn@gmail.com).  
#hungthinh