shunshine group

Tp.HCM: “Giải cứu” Bến xe Miền Đông mới thoát cảnh vắng khách

04/04/2024 20:16

Dù được đầu tư xây dựng quy mô lớn nhưng Bến xe Miền Đông mới tại Tp.HCM chưa đạt hiệu quả vận hành như mong đợi.

Hiệu quả khai thác chỉ 5%

Đầu tháng 4/2024, Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - TNHH MTV SAMCO đang đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, thực hiện phương án tiếp chuyển khách đi/đến bến xe cho Bến xe Miền Đông mới tại thành phố Thủ Đức theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, đây là mục tiêu nâng cao ý thức của người dân tự giác chấp hành pháp luật về vận tải hành khách bằng ô tô, kéo giảm tình trạng xe khách đón trả khách không đúng nơi quy định nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và hoạt động đón trả khách trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Trước đó, Bến xe Miền Đông mới đã liên tục có văn bản gửi đến cơ quan chức năng về tình trạng hoạt động lộn xộn của các nhà xe hợp đồng trá hình tuyến cố định ngày đêm đón trả khách ngoài bến, gây ảnh hướng đến đơn vị này.

Chỉ trong vòng một tháng, Bến xe Miền Đông mới có 2 văn bản kiến nghị Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh thu hồi phù hiệu của các nhà xe đăng ký nhưng không hoạt động cũng như di dời các tuyến cố định tại Bến xe Miền Đông cũ qua Bến xe Miền Đông mới.

Ông Nguyễn Lâm Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông mới cho hay, hiện nay lượng khách tại Bến xe Miền Đông mới chỉ đạt khoảng 4.000 lượt/ngày với 273 chuyến xe xuất bến, tức là đạt 5% công suất của bến xe.

“Sau các đợt kiểm tra của cơ quan chức năng, một số đơn vị đăng ký vào bến hoạt động. Tuy nhiên, có đơn vị không đưa xe vào, có đơn vị chỉ đưa một số xe không đúng như đăng ký. Khả năng các nhà xe này đang quan sát tình hình kiểm tra của cơ quan chức năng để định hình việc hoạt động trong thời gian tới”, ông Hải nói.

Một trong những khó khăn lớn nhất của Bến xe Miền Đông mới là sự hoạt động lộn xộn của các nhà xe hợp đồng trá hình tuyến cố định ngày đêm đón trả khách ngoài bến. Việc này tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các nhà xe. Về lâu dài nếu không xử lý triệt để loại hình này sẽ dẫn đến các nhà xe bỏ bến ra ngoài, chưa kể tâm lý hành khách vẫn thích vào trung tâm thành phố để đón xe.

Tiêu dùng & Dư luận - Tp.HCM: “Giải cứu” Bến xe Miền Đông mới thoát cảnh vắng khách

Hơn 3 năm vận hành, Bến xe Miền Đông mới tại thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh hoạt động không hiệu quả.

Hiện nay, việc đón trả khách thực hiện rất rầm rộ trước cổng Bến xe Miền Đông mới, Quốc lộ 1… mặc dù Bến xe Miền Đông mới chủ động phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông ghi hình cung cấp bằng chứng để lực lượng chức năng xử lý các trường hợp này nhưng khi không có lực lượng chức năng thì tình trạng tái diễn.

Khó khăn khác là hạ tầng giao thông kết nối Bến xe Miền Đông mới vẫn chưa hoàn thiện, phương tiện kết nối hành khách đến bến xe chưa nhiều, hành khách vẫn còn tâm lý ngại xa khi di chuyển từ trung tâm thành phố đến Bến xe Miền Đông mới.

Cải thiện quy hoạch kết nối với bến xe

Tình trạng vắng khách của Bến xe Miền Đông mới đã tồn tại từ lâu. Theo các chuyên gia, vấn đề kết nối là yếu tố then chốt quyết định việc người dân có lựa chọn bến xe mới hay không.

TS. Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: “Người dân trong suốt bao nhiêu năm đã quen với bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) - nơi có nhiều phương tiện kết nối. Xe buýt từ khắp nơi đều chạy về bến xe cũ. Trong khi bến mới vừa xa, vừa chưa có nhiều tiện ích kết nối nên chắc chắn người dân sẽ e ngại. Khi người dân e ngại thì doanh nghiệp không thể cứ nằm trong bến đóng tiền và chờ khách”.

Vì thế, thành phố Hồ Chí Minh cần tổ chức tuyến phương tiện công cộng đưa khách từ các quận, huyện đến bến xe Miền Đông mới. Đây có thể là tuyến xe buýt mới hoặc những phương tiện công cộng cỡ nhỏ, đa dạng chủng loại để phục vụ nhu cầu của người dân.

Đồng quan điểm, ông Lê Trung Tính. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách thành phố Hồ Chí Minh, với những đô thị lớn, đông dân như thành phố Hồ Chí Minh, các bến xe vận tải liên tỉnh phải đưa ra khu vực cửa ô để tránh kẹt xe trong nội đô.

Tuy nhiên, ông Tính cho rằng lẽ ra ngay từ trước khi thực hiện việc di dời bến cũ sang bến mới, Sở GTVT và đơn vị quản lý bến phải làm công tác điều tra khách hàng bao gồm cả người dân cũng như các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong bến. Dựa trên nhu cầu, biết họ cần gì, muốn gì để lên phương án đáp ứng, đảm bảo việc chuyển đổi được thuận lợi.

“Hiện, bến có một số tuyến buýt kết nối, song chưa giải quyết nhu cầu thực tế cho khách ra vào. Nếu không xác định rõ nhu cầu của hành khách để lên phương án kết nối thì bến xe Miền Đông mới không thể hoạt động hiệu quả được”, ông Tính nói.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục Trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Bến xe Miền Đông mới đã được xây dựng nhiều năm, có thời gian để người dân quen dần với thói quen đi lại. Nhưng với việc thay đổi hàng nghìn tuyến xe cố định, cơ quan quản lý phải đánh giá xem người dân có đi lại được không.

Bà Hiền chỉ ra: “Không phải xe không vào bến mới mà do người dân ít có nhu cầu đi lại tại bến xe Miền Đông mới. Bến quá xa nên nhiều người không muốn di chuyển xuyên thành phố mất thời gian, tốn kém. Việc tổ chức luồng tuyến từ bến xe Miền Đông cũ sang bến xe mới chưa hợp lý, bố trí giao thông công cộng để kết nối các phương thức vận tải cũng chưa kịp thời. Đây là nguyên nhân dẫn đến xe dù, bến cóc, xe đón khách trái phép trên phố, chạy lòng vòng gây ùn tắc, tai nạn”.

Trong khi đó, TS.Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cũng cho rằng cách tổ chức và bố trí bến xe xa khu vực người dân đang sinh sống là bất cập. Bến xe Miền Đông mới sẽ phục vụ nhu cầu tương lai của không gian đó. Có bến xe mới không có nghĩa triệt tiêu hoàn toàn điều kiện hạ tầng kết nối vận tải liên tỉnh của bến xe cũ, nơi hàng triệu dân đang sinh sống. Cơ quan chức năng vẫn phải đáp ứng nhu cầu người dân trong không gian bến xe cũ.

Bến xe Miền Đông mới có diện tích 16ha, nằm trên đường Hoàng Hữu Nam (thành phố Thủ Đức) - cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh gần 20km. Đây là bến xe lớn nhất nước (tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng, giai đoạn một khoảng 740 tỷ đồng), được đưa vào khai thác tháng 10/2020.

Bạn đang đọc bài viết "Tp.HCM: “Giải cứu” Bến xe Miền Đông mới thoát cảnh vắng khách" tại chuyên mục Kinh tế. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0937636383hoặc gửi về địa chỉ email (nhipsongdothi.vn@gmail.com).  
#hungthinh